LIÊN KẾT NHANH

LIÊN KẾT NHANH

LIÊN KẾT NHANH

Liên kết giáo dục

Đăng nhập
YÊU NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

YÊU NHỮNG ĐIỀU KHÁC BIỆT

Tác giả: Lê Thanh Vân

 

Trong cuốn sách nhỏ mang tên “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của Luis Sepulveda có những dòng chữ khiến người đọc cứ phải nhẩm đi nhẩm lại vì thông điệp tuyệt vời của nó “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn …”. Đó là phải biết yêu những người khác mình, yêu những điều khác biệt. Mỗi người trong chúng ta đều đã từng tiếp xúc với không ít những người khác biệt với mình và với một người làm nghề giáo như em, việc tiếp xúc với những học sinh khác biệt kéo dài theo năm tháng.

Câu chuyện của em cũng không phải là đặc biệt với số đông nhưng với em thì có những ấn tượng khó quên, bởi vì em ít khi được giao nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm. Gần hai mươi năm đứng lớp, số lần em được làm chủ nhiệm rất ít ỏi. Năm học 2011 – 2012, em chủ nhiệm lớp 11A9 của trường THPT Vọng Thê. Lớp học ấy ưu, khuyết đều đủ cả. Ham học có, ham chơi có, biết yêu có, nhiều tuổi có và có bạn bị khiếm khuyết thân thể nữa, Trong lớp học ấy, có một bạn người dân tộc Kh’mer tên là Chau Sinh. Sinh hầu như không giao tiếp với ai cả. Những ngày đầu nhận lớp chủ nhiệm, em đã rất khó khăn để tiếp cận với Sinh. Trong khi các bạn luôn tranh nói, giành nói về mình thì Sinh chia sẻ với em theo kiểu nhỏ giọt, hỏi gì nói đấy và nói không trọn vẹn nội dung. Quá trình tìm hiểu, em biết gia đình Sinh rất nghèo, nhà Sinh trong một con hẻm nhỏ len lỏi lên núi, qua mấy lớp nhà người mới tới nhà Sinh. Sinh nhiều tuổi hơn bạn trong lớp nhưng lực học thì ở mức trung bình yếu. Sinh còn sở hữu một vẻ mặt rất khó gần nếu không muốn nói là gây cảm giác lo sợ cho người đối diện … Tất cả những điều đó đã bọc Sinh lại, như muốn cách li với tất cả mọi người và những ngày đầu, hình như mọi người cũng muốn giữ một khoảng cách an toàn với Sinh. Cách bạn ấy chọn chỗ ngồi trong góc cuối lớp như một biểu hiện tách rời tập thể.

Những ngày tiếp nối, trong giờ dạy, em thường xuống cuối lớp nói với Sinh vài câu, gọi trả lời những câu hỏi đơn giản. Ra chơi, em hay sai Sinh vài chuyện lặt vặt như giặt bông bảng, hay đi kiếm dùm cô sợi dây cho cô buộc đồ, cho cô xin tờ giấy …. Dần dần, các bạn trong lớp cũng hay nhờ, hay mượn những chuyện lặt vặt và mối quan hệ bạn bè cởi mở hơn. Bạn Sinh vẫn ít nói nhưng ai nhờ gì cũng giúp và Sinh đã cho em và các bạn trong lớp những điều đặt biệt bất ngờ nhân dịp cắm trại Xuân do Trường tổ chức.

Một số bạn trong lớp không muốn tham gia cắm trại vì không có tiền đóng. Sau khi thảo luận, lớp thống nhất ý kiến là các bạn có hoàn cảnh không cần đóng, những bạn có điều kiện ngoài việc đóng quỹ cắm trại sẽ về nhà nhờ gia đình hỗ trợ tiếp. Còn lại cô chủ nhiệm sẽ hoàn tất. Mọi người đều vui vẻ chuẩn bị tới ngày cắm trại. Nhưng bạn Sinh thì không. Bạn muốn đóng góp gì đó thì mới tham gia. Thế là bạn nói với cô sẽ nhận toàn bộ việc thiết kế, dựng trại và cùng một người bạn nữa tham gia thiết kế trang phục thời trang bằng lá dừa trong đêm lửa trại … Cô sợ bạn làm không xuể nên hơi do dự. Nhưng thấy thái độ kiên quyết của bạn, cô đồng ý và dặn dò các bạn trong lớp hỗ trợ cho Sinh.

Ngày dựng trại, Sinh mang cả anh em dòng họ lên trường dựng trại cho các bạn vì sợ các bạn leo cao nguy hiểm. Toàn bộ vật liệu như tre, lá dừa, rơm rạ, … cũng do người nhà của Sinh mang vác lên. Khi em ngỏ ý gửi lại tiền đốn tre cho gia đình thì Sinh một mực từ chối dù nhà em rất nghèo, tre nhà trồng mục đích cũng là bán cho người cần dùng hoặc lây măng mang ra chợ. Trại 11A9 rất độc đáo, mái không che bạt thông thường mà phủ rơm vàng rất đẹp. Cổng trại được tết bằng lá dừa khéo léo. Thời gian dựng trại rất lâu nhưng Sinh và mọi người vẫn miệt mài … Đặc biệt là hai bộ trang phục và hai chiếc nón được tết bằng lá dừa vô cùng bắt mắt … Nhưng điều đáng nhớ nhất đối với em là hình ảnh hai cậu học trò nhịn cả cơm chiều ngồi đột lại những phần còn dang dở của hai bộ trang phục, trong đó có Sinh…, là hình ảnh cậu học trò bưng dĩa mì ngồi ăn muộn màng trong khi các bạn đang xem diễn thời trang vui nhộn … Mười năm, em chưa bao giờ quên hình ảnh đó.

Tết năm đó, mỗi lớp gửi tên một học sinh có hoàn cảnh khó khăn để nhận quà. Giữa Sinh và một người bạn khuyết tật tay chân, em không chọn Sinh dù các bạn trong lớp đều nhất trí chọn Sinh. Em nói với Sinh trường chỉ có một phần quà mà cô thì muốn cho cả hai đứa. Sinh vui vẻ nói với em: Để bạn Quý nhận đúng hơn cô ơi… bằng giọng cứng cứng của người dân tộc. Sinh không biết, em đã chuẩn bị sẵn quà Tết cho bạn ấy rồi.

Sau khi kết thúc buổi cắm trại vào sáng hôm sau, hầu hết các bạn đều mệt mỏi nên tìm chỗ ngủ tiếp, có bạn thì người nhà lên rước về. Em thấy Sinh bắt đầu công việc dở trại. Sinh leo lên mái cắt dây và hạ cây xuống từ từ. Nhưng trong lúc dở trại, Sinh đã bị con dao cứa vào tay rất sâu …

Chiều đó, em lên nhà Sinh, mang cho Sinh một bịch bông băng và giỏ quà Tết em chuẩn bị cho bạn ấy. Em không biết trước giờ có ai ghé thăm bạn ấy không nhưng lúc đó, khi nhìn thấy em ghé nhà, sự cảm động lộ rõ qua ánh mắt. Mắt bạn đỏ lắm ...

Khi Sinh lên lớp 12. Em không giảng dạy hay chủ nhiệm bạn ấy nữa nhưng những câu chuyện về bạn ấy, mọi người hay gặp kể cho em nghe. Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Sinh kể: mấy đứa nó nói với em, hễ thằng Sinh mà không nghe lời thầy, thầy nói với cô Vân. Nó sợ cô Vân lắm! Lúc đó, Sinh nó bảo: không phải sợ, là nể! Câu chuyện nhỏ nhưng đối với em vô cùng đặc biệt. Thi thoảng, khi em đang dạy, thấy Sinh qua xin phấn. Và em được biết, cứ thầy kêu xin phấn là Sinh nó sẽ xung phong đi. Và nó luôn tìm xin phấn đúng lớp em đang dạy … Dù không còn dạy Sinh nhưng em vẫn dõi theo để giúp đỡ trong phạm vi mình có thể làm được. Một cái áo sơ mi trắng, một bộ đồ thể dục, một lời động viên khi hay tin Sinh muốn nghỉ học đi làm phụ gia đình … Có lẽ cũng là may mắn, thằng bé tốt nghiệp THPT.

Thời điểm hơn mười năm, đối diện với một đứa học sinh dân tộc, da ngăm đen, lầm lì không nói, ánh mắt nhìn người, nhìn đời thiếu thiện cảm, tự ti … làm sao không làm người khác thấy sợ và lẽ dĩ nhiên là sẽ tránh xa để đàm bảo an toàn cho mình. Nếu ngày đó em cũng lựa chọn cách tránh xa bạn ấy, có lẽ mãi mãi em không bao giờ biết được bạn ấy giàu lòng tự trọng, sống có trách nhiệm, hiền lành và khéo tay như thế nào; có lẽ em không bao giờ biết được khi bản thân dám chấp nhận những điều khác biệt với chính mình, với số đông, ta sẽ phát hiện biết bao bài học quý giá trong mối quan hệ giữa người với người và phát hiện trái tim mình vẫn đập đều những nhịp yêu thương …

Và để làm được điều này, không cần bạn phải gồng mình cam chịu để lấy lòng hay lấy vật chất để trao đổi. Chỉ cần bạn có một tình cảm chân thành, có lòng trắc ẩn, biết đồng cảm, sẻ chia, đừng kì thị, đừng vô tâm …

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt!